Tuesday, April 29, 2014

DÒNG TÂM TƯ NƯỚC MẮT - PHẦN I

PHẠM VĂN THÀNH



PHẦN I

Paris ngày 26 tháng 5, 1999


Tôi, Phạm văn Thành, 40 tuổi, quê quán Biên Hòa, gia đình gốc Công giáo di cư năm 1954.

Làm quen với sinh hoạt chiến đấu chống Cộng sản từ khi mới thoát khỏi tuổi thiếu niên, 1977, cùng với các bậc cha chú trong Phong trào Kháng chiến Liên Tôn, địa bàn hoạt động là Miền Đông (Long Khánh, Biên Hoà, Thủ Đức...)

Năm 1982 vượt biển, tham gia lực lượng kháng chiến của tướng Hoàng Cơ Minh từ Phi Luật Tân, dưới quyền chỉ đạo của chiến hữu Kim Sơn, Thành bộ trưởng Bộ Đặc biệt Palawan, với nhiệm vụ chìm.

Đến Pháp năm 1983, hoạt động toàn thời gian cho Tổ chức Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) từ năm 1984 đến 1988, không nhận bất cứ một khoản lương nào của Mặt trận (MT) ngoại trừ khoản tiền 400 đô-la vào đầu năm 1985 do Chiến hữu Cao Văn giao tận tay để chia xẻ chi phí đi đường cho công tác Hòa Lan, Đan Mạch, một công tác kéo dài suốt 5 tháng với nhiệm vụ thành lập lại cơ sở MT tại Hòa Lan, lúc đó đã tan nát 90% sau cơn bão tố niềm tin xảy ra cuối năm 1984 giữa hai vị lãnh đạo cao cấp nhất thời bấy giờ, ông Hoàng Cơ Minh và ông Phạm Văn Liễu.
Franfurt 1985 Nguyễn Kim (Hườn) vest trắng. Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn cạnh Nguyễn Kim, cạnh Nguyễn Quảng Văn là Võ Sĩ Hùng, bị xử tử tại chiến khu Ubon 89/90. Ngoài cùng (trái) là Phạm văn Thành.

 Phạm văn Thành đứng, ngồi - áo jean Võ thanh, Võ Sĩ  Hùng và Nguyễn Quảng Văn 8.1985 tại nhà Nguyễn Ngọc Đức (Lý Quảng...)
9.1985 buổi dã ngoại sau cùng vớí võ sư Bordeaux /Võ sĩ Hùng (đứng) và kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (ngồi khoác khăn) Phạm văn Thành ngồi giữa
sáng 10.9.1985...đi vào bí mật. Từ trái: Nguyễn ngọc Danh  (Tổng Thư ký Hội Chuyên Gia, Ủy viên cấp khu Âu châu VT)., Võ thanh, Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (giữa), kế Nguyễn Quảng Văn là Võ sư Boerdeaux /Võ sĩ Hùng kế Võ sĩ Hùng là Cao Văn, nguyên Trung tá (hay Thiếu tá?) BĐQ / VNCH 
(10.9.1985 Antony/Pháp) đêm từ biệt, chén rượu biệt ly đưa người vào vùng sinh tử. từ trái qua: Phạm văn Thành, Võ sĩ Hùng, Cao Văn
Thay vì đi vào bí mật, họ đã được đưa đi "trình diện" cơ sở Bỉ và Hà Lan để ..."củng cố tinh thần hai cơ sở Hà Lan, Bỉ ..."!!!Thậm chí gặp gỡ giớí báo chí Bỉ quốc...
Là nhân lực tình nguyện phục vụ quốc nội, giấy chấp thuận ký giữa năm 1985 do ông Phan Vụ Quang (tức ông Hoàng Cơ Định). Chuyến đi được quyết định ngày vào giữa tháng 9.1985 với vé máy bay tự túc. Cùng đợt về từ Âu Châu trong thời gian này gồm Trần Quốc Hùng (cựu sĩ quan Dù) từ Đan-Mạch, võ sư Võ Sĩ Hùng và Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn từ Pháp.
Tháng 8 /1985 Trần Quốc Hùng giã từ Copenhagen - Denmark về Japan để vào Khu Chiến – Cạnh anh là Hùynh T- nhắm mắt là Nguyễn công Khảm nguyên Đại Úy an ninh hỗn hợp Việt Mỹ (đã mất), Truong Cơ Sở Bắc Âu - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành


Quyết định về nước (tức chiến khu) từ cấp Tổng Vụ Hải Ngoại có thay đổi trong những ngày chót: Phạm Văn Thành (là tôi) bị ở lại Hải Ngoại để tiếp tục thử thách (!)

Năm 1988 tôi quyết định xin ngưng công tác toàn thời gian vì gần như bị "thất nghiệp" trong công tác.
Trình độ học vấn của tôi không nhiều, không thể vạch chiến lựợc, vẽ chiến thuật cho tổ chức. Nhưng để thi hành chiến lược chiến thuật thì tổ chức nào cũng cần những người như chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam có đủ lòng tự trọng dân tộc và có một tinh thần đấu tranh chống Cộng sản cương quyết, có đởm lược khả dĩ đủ để bảo vệ lý tưởng tự do trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những nhân lực "toàn thời" như vậy không thể xử dụng chỉ cho mục tiêu "kinh tài món" ngày ngày đi bán rau, vác gạo hay nấu cơm phục vụ các "chiến hữu đấu tranh cuối tuần" ở cái đất Paris vốn đầy những mưu mô chính trị. Tôi đã rời khỏi đội ngũ toàn thời vì những lý do như vậy, song song với những lý do thuộc về tinh thần và tâm lý rất mẫn cảm... mà tôi không thể trình bày ra ở đây, vì có liên quan đến hạnh phúc của một số gia đình. Vì trân trọng hạnh phúc của từng gia đình này, tôi buộc lòng phải giữ thái độ im lặng, không nêu ra những lý do đó. Tôi cũng tin rằng không ai có đủ nhẫn tâm để yêu cầu tôi phải trình bày những điều tôi đã không muốn nói ra, vì hạnh phúc của một số gia đình như đã nêu.

Năm 1989, tôi bị "sa thải" khỏi hàng ngũ MT sau khi các vị lãnh đạo của cơ sở MT tại Âu Châu và Paris đã "tận tình" bôi bẩn danh dự cá nhân tôi, đồng thời tận tình phá vỡ đời sống gia đình của vợ chồng tôi. Anh chị em trong gia đình bên vợ tôi bị chia ra làm hai với những ê chề đau đớn đến tận cùng. Trong khi đó các vị lãnh đạo thì hả hê khi thấy tôi gần như bị cô lập hoàn toàn với Cộng đồng. Các hội đoàn nghi kỵ, chiến hữu dè bỉu, thân hữu xa lánh, gia đình chối từ.

Gần một năm trời tôi đã thu mình trong một cư xá sinh viên nghèo nàn, chán chường đến tận cùng bài học về con người. Tôi đã muốn quên đi tất cả. Nhưng cuộc sống vẫn xảy ra quanh tôi. Những gian manh càng ngày càng cuồng bạo xảy ra trên đất nước tôi: những thao thức, những nhục nhằn chiến đấu vẫn xảy ra trên đất Mẹ, dù phải trả bằng trăm cay ngàn đắng.

Từ trái qua: Ngọc Thùy, Phạm Tôn (nguyên Thành Bộ Trưởng MT - Paris), Thanh Tú, Tran H. Chau (sinh viên du học VNCH 1974, nguyên UV Tuyên vận MT/VT xứ bộ Pháp 1984/1989), Phạm văn Thành, nghệ sĩ Duy Thiện, Đặng Bình (nguyên Trưởng Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Paris). Hình chụp lúc quyết định thành lập nhóm nhạc Gió Việt 1990 -
ảnh tư liệu của Phạm văn Thành

Đến khi những tờ báo Khát Vọng từ Sài-Gòn dạt đến được tầm tay mình, tôi đã bật dậy, gom góp hết sức lực còn lại, để mong có thể làm được điều gì đó cho đất nước. Anh Em chúng tôi lại tụ lại, nhóm Gió Việt ra đời tại Paris (hầu hết đều là những nhân sự trụ cột của đoàn Văn nghệ Kháng chiến Paris thuộc MTQGTNGPVN những năm 1987 và 1988).

Để mong hoạt động tốt, Anh Em gom góp vốn hùn một cơ sở kinh doanh. Và đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của tôi và cả nhóm. Chúng tôi không phải là những nhà kinh doanh giỏi, lại đi làm một công việc thuần túy kinh doanh để lo cho hoạt động của Đoàn. Chúng tôi thất bại! Đã có nhiều trận cười hả hê chung quanh chúng tôi, của kẻ thù cũng có và của những người đã từng là chiến hữu cũng có!!!

Nhóm Tiên Long đã ra đời trong hoàn cảnh này và tôi cùng kỹ sư Phạm Anh Dũng, cựu sĩ quan QLVNCH Lê Hoàn Sơn đã lên đường về nước, với khát vọng làm một trận lửa cháy bằng biểu tình ngay tại Sài Gòn, để chuyển thế đấu tranh cả trong lẫn ngoài nước từ thế thủ sang thế công. Vì sự bội tín, chúng tôi đã thất bại và chấp nhận ngồi tù (1993)

Nhà tù cộng sản đã đổ lên thân xác chúng tôi những đớn đau ê chề. Nhưng chính nơi những nhà tù này cũng đã dạy chúng tôi những bài học làm người quý giá. Thầy dạy của chúng tôi chính là những người tù bình thường nhất, những người tù vì lý do chính trị lâu năm nhất, trong đó có những người còn rất trẻ. Những người từng một thời chung với tôi một tổ chức, từng một thời sống hiên ngang giữa đất trời biên giới Lào Việt và Thái Lan, từng một thời có rất nhiều ước mơ, rất nhiều khát vọng. Tất cả đều đã rất chán chường!

* Chán chường vì sự thật được phơi bầy trơ trẽn quá!
* Chán chường vì mặc cảm bị trường kỳ bỏ rơi! Anh Em đâu? Chiến hữu đâu? Lãnh đạo đâu? Mà biết bao năm, những tiếng kêu thống thiết của họ đều chìm vào quên lãng. Gia đình họ vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không một lời hỏi thăm, không một miếng quà (dù nhỏ nhất) để tỏ chút ân tình chiến hữu.

Khi biết tôi từng có thời chung tổ chức, Anh Em đã đến với nhau, sống chan hòa với nhau như bát nước đầy. Và mọi sự thật đã được mở gỡ một cách thận trọng. Tôi vô cùng cảm ơn các Anh Em, chúng ta đã cùng nhau chia ngọt xẻ bùi để rồi lại tiếp tục đứng lên, làm tiếp công trình còn dang dở. Tôi cũng cảm ơn các Anh Em, đã giải tỏa cho chúng tôi những thắc mắc từ lâu in đậm trong mỗi suy nghĩ của chúng tôi tại hải ngoại. Những thắc mắc đã đưa đến việc tôi phải bị sa thải khỏi hàng ngũ MTQGTNGPVN năm 1989.

Hàng năm chúng tôi đã cùng làm lễ giỗ chung cho các anh em đã nằm xuống trong trận đánh Nam Lào, trong đó đặc biệt có ông Hoàng Cơ Minh, có anh Võ Hoàng, Trương Ny, Huỳnh văn Tiến, v.v... Cảm ơn các anh đã hiên ngang chấp nhận trả giá đắt cùng với tôi trong những lần như vậy.
Ân tình này làm sao quên được? Ân tình này làm sao im lặng được?

Đó chính là lý do đưa tôi đến quyết định bạch hóa sự thật của 3 cuộc xâm nhập (mang tên Đông Tiến 1, 2 và 3) do MTQGTNGPVN tổ chức.

* Bạch hóa vì lòng tự trọng của một Tù Nhân Chính Trị,
* Bạch hóa vì lương tâm của một người đi đấu tranh đối với những người đã nằm xuống một cách vô cùng anh dũng trên đất lạ quê người, cho ước mơ Dân Tộc Hạnh phúc.
* Bạch hóa vì sự an nguy của những người đang chuẩn bị lao vào trận chiến dưới sự điều động gây quá nhiều nghi ngờ của tổ chức MTQGTNGPVN.

Sự bạch hoá được chia làm hai thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất, vì tôn trọng quyền công bố của MẶT TRẬN, tôi đã viết một thư tay dài hơn 40 trang, chữ nhỏ, trong đó trình bày chi tiết cả ba cuộc xâm nhập, và ĐẶC BIỆT ĐỀ CẬP ĐẾN NHỮNG THÔNG TIN QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHẢN BỘI CỦA NHỮNG NHÂN VẬT CÓ TRÁNH NHIỆM XÂY DỰNG ĐƯỜNG DÂY XÂM NHẬP CHO CẢ BA CUỘC ĐÔNG TIẾN.
Lá thư được viết ngày 27 tháng 11/1998, chưa đầy một tháng sau khi tôi được Cộng sản VN trả tự do - do sức ép của quốc tế và đồng bào hải ngoại. Lá thư này đã được gởi trong vòng một tuần sau đó đến đích danh ông Nguyễn Kim (tức Nguyễn Kim Hườn)

Ông Phan Vụ Quang cũng đã có lá thư này, do ông Kim trung chuyển. Trong thư tôi cũng xác định rằng tôi chỉ có thể giữ im lặng được (trước công luận báo chí truyền thông) trong vòng 3 đến 5 tháng.

Suốt trong thời gian này, các cấp lãnh đạo của tổ chức MẶT TRẬN không hề cho tôi biết rõ ràng MẶT TRẬN sẽ phản ứng như thế nào đối với những đề nghị và yêu cầu của tôi.

Ngày 14 tháng 4/1999, tôi được phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh Quê Hương phát đi tại California. Khi được hỏi về những sự việc liên quan đến ông Hoàng Cơ Minh tự sát tại biên giới Việt Lào, tôi đã xác nhận về thông tin này. Tôi đã hành xử đúng vị trí của một người tù chính trị đối với một tổ chức chính trị là MTQGTNGPVN trong việc giữ sự im lặng như đã hứa. Đồng thời ngày 14 tháng 4, 1999 tôi cũng đã làm đúng bổn phận của một "người tù chính trị nắm rõ sự thật" trước công luận.

Trước khi xảy ra buổi phỏng vấn, ông Trần Đức Tường đã gọi điện thoại cho tôi và đề nghị tôi tránh né buổi phỏng vấn. Tôi đã trả lời rõ ràng là tôi sẽ chọn cách hành xử đúng nhất, có lợi cho công việc chung. Sau đó ông HOÀNG CƠ ĐỊNH (PHAN VỤ QUANG) có điện thoại cho tôi đến 7 lần trong ngày. Lúc đó tôi không có mặt ở nhà vì đang bận rộn công việc chung tại Thụy Sĩ. Khi về nhà, kiểm lại máy nhắn tin, tôi thấy có nhiều điều làm tôi phải suy nghĩ. Suy nghĩ không phải vì sợ, mà vì cảm thấy lo ngại cho trận chiến đang diễn ra ngày một gay gắt với kẻ thù chung CS...

Dù rằng đứng ở vị trí chiến đấu nào đi nữa, chúng ta cũng rất cần hai điều căn bản, đó là sự thẳng thắn và sự tôn trọng lẫn nhau. Thái độ khích bác và hù dọa có thể có tác dụng được với một số người, một số trường hợp.
Tuy nhiên, không phải là hữu hiệu với mọi trường hợp.

Đứng trước họng súng và cùm xích của chế độ dã man Cộng sản, dù có sợ, tôi vẫn đã đứng vững cùng các anh em khác và tuyên chiến "sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng" ngay tại hội trường kiểm thảo trại Đầm Đùn T5, trước mặt tập thể tù chính trị và bọn Sĩ quan An ninh, Phản gián Việt cộng (VC). Vậy thì ngày hôm nay, trong môi trường này, xin đừng dùng cách làm việc ấy với tôi, vì nó chỉ tốn thời gian vô ích.

Tôi rất muốn tôn trọng mọi người và xin hãy giúp tôi giữ được trọn vẹn ước muốn đó.

Trở lại việc bạch hóa trên đài phát thanh Quê Hương. Sau khi kiểm lại rất nhiều lời nhắn trong máy, tôi đã gọi cho ông PHAN VỤ QUANG, vì xét thấy cách nói chuyện của ông lịch sự và chí tình. Tôi đã xác nhận với ông PHAN VỤ QUANG, là tôi sẽ công bố sự thật về việc ông Hoàng Cơ Minh đã tự sát, cũng như những cái chết liên quan. Đối với tôi, những cái chết liên quan là điều rất quan trọng. Ông PHAN VỤ QUANG đã nói sẽ tôn trọng ý kiến của tôi và ngỏ ý mời tôi qua San Jose, đứng trước bàn thờ tướng Minh tại nhà ông. Tôi hứa sẽ sắp xếp qua, nếu như được bà Hoàng Cơ Minh đón tiếp, bởi chúng tôi (Tiên Long Hải Ngoại) đang còn giữ chiếc nanh heo rừng mà Thầy Giác Nhiên đã trao tặng Tướng Minh nhân dịp 30.4.1983 tại Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ xin gặp Thầy Giác Nhiên để nhờ Thầy kiểm định xem có phải đó chính là chiếc nanh heo mà Thầy đã tặng cho tướng Minh hay không.

Chiếc nanh heo này, tướng Minh đã tặng lại cho một cán bộ MẶT TRẬN tại quốc nội, tên Dương Thanh. Ông Dương Thanh đã trao lại cho kháng chiến quân (KCQ) Lý Viên (cũng là một tù nhân), ông Lý Viên sau đó đã trao cho nhóm Tiên Long.

Lại trở lại việc bạch hóa thông tin liên quan đến MẶT TRẬN. Sau 3 cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Quê Hương, và sau khi một bài viết của luật sư Hoàng Duy Hùng tại Hoa-Kỳ được chạy trên Internet, tôi đã gặp rất nhiều điều tế nhị cũng như phiền toái xảy đến cho riêng tôi, cũng như gia đình tôi.
Tôi có thể chịu đựng được, cũng như đã từng chịu đựng sự khích bác từ 10 năm trước đến nay, nhưng Mẹ tôi thì không. Bà dù sao cũng chỉ là một người Mẹ rất Việt Nam, bà đã giận và rất buồn phiền về tôi. Vợ tôi cũng vậy, người đàn bà yếu ớt đang mang thai ở tuổi 40, rất dễ bị xúc động...!

Ngày 26 tháng 4.1999, vừa từ Hòa Lan trở lại Pháp, vì sức ép của gia đình, tôi đã đồng ý tiếp các vị quan chức của MẶT TRẬN tại nhà tôi từ 1 đến 3 giờ chiều. Có mặt trong buổi gặp gỡ này là quý ông Trần Đức Tường, Nguyễn Ngọc Đức, Trần Văn Phước và ông Bùi Trung Trực, anh ruột của vợ tôi.

Các vị này có lẽ là những người hiểu rõ hơn ai hết về hoàn cảnh gia đình của tôi. Tôi sống như thế nào? Vợ tôi mạnh yếu ra sao? Con tôi thiếu thốn những gì, thừa thãi những gì? Tôi không cần phải dấu diếm và bình thản bảo vệ quyết định công bố của tôi!

Sóng gió gia đình đã nổi lên 5 tiếng đồng hồ sau phiên họp này, liên quan đến bài viết của ông Hoàng Duy Hùng. Có một điều đã làm chính tôi cảm thấy rất day dứt. Đó là có một đoạn trong bài viết, một đoạn rất ngắn, trong đó ông Hoàng Duy Hùng đã gọi tất cả những cán bộ cấp trung của MẶT TRẬN bằng một từ ngữ rất nặng.

Trong tinh thần tôn trọng sự thật, tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng tuyệt đối đến các cán bộ của MTQGTNGPVN, đã kiên định đấu tranh và hy sinh rất nhiều tâm huyết cho đại cuộc trong thời gian qua, đặc biệt là các cán bộ MẶT TRẬN tại Hòa Lan, Đức, và Pháp, cũng như một số nơi khác.
Các anh, ở những vị trí cá nhân hoàn toàn độc lập, đã hỗ trợ tối đa cho kế hoạch Bảo vệ Các Tù nhân Chính Trị trong nước, trước và sau khi bản thân tôi được tự do. Đây là một tinh thần đấu tranh vô vị lợi. Đặc biệt, hầu hết các cán bộ MẶT TRẬN tại Âu Châu đều không hề nhận lương tháng.

Trong nhu cầu kết hợp làm việc chung, tôi đã thay mặt Hội Tiên Long tuyên bố kết hợp làm việc cùng phong trào Quốc Dân Việt Nam Hành Động tại Hoa Kỳ. Vì thế, những điểm đúng sai của ông Hoàng Duy Hùng, chúng tôi cũng nhận chịu chung trách nhiệm. Một lần nữa, đứng trên cương vị người chịu trách nhiệm của tổ chức Tiên Long, tôi chính thức và trân trọng kính gởi đến các cán bộ MẶT TRẬN trung kiên và trân trọng đối với Tổ Quốc Việt Nam lời xin lỗi chân thành nhất của tôi, người phát ngôn của tổ chức Tiên Long.

Điểm thứ hai tôi cũng cần xác định liên quan đến người đã sinh thành ra vợ tôi, mà tôi vẫn coi như người cha thứ hai.
Bố tôi đã mất sau nhiều năm làm việc miệt mài cho Tổ chức, chỉ mong ước sớm được nhìn thấy ngày quê hương thực sự tự do. Ông đã mất sau ngày Tướng Minh nằm xuống đúng 1 năm và 15 ngày. Khi ông Hoàng Duy Hùng đến nhà tôi để làm việc trong chuyến công tác tại Âu Châu đầu năm nay, nhìn thấy di ảnh của Bố tôi, ông đã hỏi: "Đây có phải là ảnh của ông cụ Bùi Trịnh Hữu?" Tôi trả lời đúng. Ông Hùng nói có nghe nhiều về ông cụ của vợ chồng tôi và hỏi thêm: "Khi mất, ông cụ đã có biết việc tướng Minh nằm xuống không?" Tôi nói "Có, ông cụ biết được do một nguồn thông tin của người Lào, và do lá thư của anh Trần Quốc Hùng, cựu sĩ quan Dù đã về nước cùng Tướng Minh, cũng bị bắt và được tạm tha. Ông cụ có hỏi tôi về thủ bút của Trần Quốc Hùng và tôi đã xác nhận là đúng.Vài tuần sau ông lâm bệnh rất nặng về thần kinh não và qua đời sau đó vài tháng. Cái chết của ông cụ gây bất ngờ hoàn toàn cho mọi người, vì ông cụ là một người có thể lực rất tốt. Ông cụ có tâm hồn bao dung với mọi người và có một tấm lòng vô cùng thiết tha với đất nước..."

Có lẽ do công việc làm quá căng thẳng trong suốt thời gian ở Âu Châu nên ông Hoàng Duy Hùng đã hiểu không hoàn toàn đúng sự trình bày của tôi? - bài viết này, tôi xin ghi lại những lời tôi đã nói, đồng thời xin nhận lỗi với ông Hoàng Duy Hùng, nếu như, do sự trình bày thiếu cẩn thận của tôi mà ông đã nắm không được hoàn toàn đúng tinh thần sự kiện. Với gia đình thân yêu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều công bố này.

Để kết thúc bài viết này, tôi trân trọng công bố phần hai của lá thư mà tôi đã gởi cho cấp cao nhất Tổng vụ Hải ngoại MTQGTNGPVN. Phần hai này được bắt đầu từ câu nói của ông Hoàng Cơ Minh trong những ngày cuối cùng "ÔNG NÓI, SAO TỚI GIỜ NÀY VẪN CHƯA THẤY LÊ PHÚ SƠN RA ĐÓN?"

-Bài này đã đăng trên Đặc San QUYẾT THẮNG (Hưng Việt) số 09 ngày 19/6/1999 - California




-

0 nhận xét:

Post a Comment